Những người trẻ giữ hồn dân tộc
2025-07-11 14:50:00.0
Chị Hà Thị Hương Nhài (thứ 2 từ trái sang) cùng các thành viên CLB hát then, đàn tính xóm Bản Nưa, xã Nghinh Tường
Để tiếng then vọng mãi
Tối thứ Bảy, nhà văn hóa xóm Bản Nưa, xã Nghinh Tường bừng lên bởi âm sắc đằm thắm của lời hát then, tiếng đàn tính ngân vang theo nhịp gõ tay đều đặn. Ở đó, hơn 40 thành viên của Câu lạc bộ (CLB) hát then, đàn tính xóm Bản Nưa lại quây quần tập luyện, gìn giữ một nét di sản đang dần mai một. CLB được thành lập từ năm 2017, do chị Hà Thị Hương Nhài, (sinh năm 2001) làm chủ nhiệm. Thành viên trẻ nhất của CLB mới 14 tuổi, lớn nhất gần 70, các thế hệ cùng nhau chung một niềm đam mê là giữ lấy hồn dân tộc qua từng điệu then, từng tiếng đàn tính thổn thức.
Chị Hà Thị Hương Nhài chia sẻ: "Mình nhận thấy nhiều người trẻ không còn mặn mà với những câu hát, điệu múa của dân tộc mình. Nếu không tìm cách giữ gìn, một ngày nào đó sẽ bị mai một. Với trăn trở đó, tôi về quê, tham gia và duy trì câu lạc bộ hát then để tiếp nối niềm đam mê, tình yêu nghệ thuật của cha ông và lan tỏa trong thế hệ của mình".
Niềm đam mê đó không phải mới hình thành, mà đã được nuôi dưỡng từ những năm tháng ấu thơ. Nhài lớn lên bên những lời ru then của bà, của mẹ. Năm học lớp 5, cô bé đã xin bố mẹ mua một cây đàn tính nhỏ để tập gảy theo giai điệu mình thuộc lòng. Sau này, Hương Nhài theo học chuyên ngành Quản lý văn hóa Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc, tiếp tục trau dồi để rồi trở về chính mảnh đất quê hương và truyền ngọn lửa ấy đến cộng đồng.
Trong mỗi buổi sinh hoạt của CLB, bên cạnh những làn điệu then cổ truyền thống như “Then Tàng Nặng”, “Tàng Bốc” mang âm hưởng linh thiêng, đậm chất dân gian, các thành viên còn biểu diễn nhiều bài then mới với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước như “Trăng soi đường Bác”, “Bác Hồ về quê em”, “Theo Đảng vững bước ta đi”, “Lời then dâng Đảng”… Từ những giá trị xưa cũ, hát then ngày nay đã có sức sống mới, gần gũi và lan tỏa rộng rãi hơn. Để có một tiết mục hoàn chỉnh, các thành viên CLB phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ trang phục dân tộc Tày, khăn vấn, kiềng cổ, quần áo chàm, thắt đai đến đạo cụ, kỹ năng biểu diễn. Những buổi tập luyện diễn ra đều đặn sau bữa cơm tối thứ Bảy, Chủ nhật. Cả xóm lại rộn ràng tiếng gọi nhau đến nhà văn hóa xóm, nhà văn hóa xã để tập hát, gõ nhịp, so dây đàn.
Trong hơi sương bảng lảng của núi rừng, tiếng then như dòng chảy ngược thời gian, đưa người ta về với những triền nương, những mái nhà sàn thơm mùi khói bếp, về với cội nguồn dân tộc. Và ở nơi đó, có những người như Hương Nhài, như các bà, các cô, các em nhỏ trong CLB hát then, đàn tính Bản Nưa vẫn miệt mài giữ lửa, để tiếng then không bao giờ tắt.
Với anh Hoàng Văn Thề, may trang phục truyền thống không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là cách để gìn giữ văn hóa Mông
Thổi hồn vào trang phục truyền thống
Tại thôn Bản Nghè, xã Cao Minh, anh Hoàng Văn Thề, chàng trai dân tộc Mông sinh năm 1995 đang viết nên câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng từ niềm đam mê với váy áo truyền thống. Vượt qua những con đèo uốn lượn và núi non trùng điệp đến xã Cao Minh, chúng tôi gặp anh Thề khi anh đang cùng vợ tất bật hoàn thiện những bộ váy áo chuẩn bị gửi sang Mỹ trong căn nhà nhỏ rộng chừng 70 m², cũng là xưởng may của gia đình.
Tốt nghiệp THPT, như bao thanh niên vùng cao khác, anh Thề từng rời bản làng, xuống miền xuôi làm thuê với hy vọng đổi đời. Nhưng nơi phố thị phồn hoa lại khiến anh day dứt nhớ về những sắc màu rực rỡ trên váy áo Mông, những đường chỉ thêu gắn với tuổi thơ và hồn cốt văn hóa của dân tộc mình. Anh nhận ra trang phục truyền thống ngày càng vắng bóng trong đời sống hiện đại. Và rồi, năm 2019, anh đưa ra một quyết định táo bạo là trở về quê hương, khởi nghiệp với nghề may truyền thống, một lựa chọn khiến không ít người ngạc nhiên, bởi lâu nay, trong quan niệm của người Mông, may vá là việc dành cho phụ nữ.
Tất cả mẫu mã đều được lên ý tưởng từ chính đời sống thường nhật, từ nét đẹp trong lễ hội, sinh hoạt, văn hóa của người Mông
Bỏ ngoài tai những ánh mắt nghi ngại, Hoàng Văn Thề kiên định theo đuổi con đường mình chọn. “Nghề may không phân biệt nam hay nữ. Ai có đam mê và tâm huyết đều có thể làm. Với tôi, đây không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là cách để gìn giữ văn hóa Mông và lan tỏa nó đến nhiều người hơn”, anh Thề chia sẻ.
Thời gian đầu gặp không ít khó khăn vì mẫu mã truyền thống còn đơn điệu, khó tiếp cận khách hàng. Nhưng không nản lòng, anh mày mò sáng tạo, kết hợp họa tiết truyền thống với phom dáng hiện đại để cho ra đời những mẫu váy áo ứng dụng cao, hợp thời hơn. Nhờ đó, sản phẩm của anh dần được thị trường đón nhận. Điều đặc biệt, anh Thề không dùng phần mềm thiết kế. Tất cả mẫu mã đều được lên ý tưởng từ chính đời sống thường nhật, từ nét đẹp trong lễ hội, sinh hoạt, văn hóa của người Mông. Những bộ váy, chiếc áo anh làm ra mang theo hồn cốt của núi rừng, của quê hương, của một nền văn hóa dân tộc giàu bản sắc.
Đón đầu xu hướng thương mại điện tử, anh Thề sớm chuyển sang bán hàng online qua Facebook, Zalo, TikTok… Nhờ thường xuyên đăng tải hình ảnh, livestream giới thiệu sản phẩm do chính tay mình may và thêu, lượng khách hàng ngày càng tăng lên. Hiện trung bình mỗi tháng anh bán được khoảng 20 bộ váy, áo. Riêng năm 2024, anh đã bán ra khoảng 300 bộ, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Mỹ, Pháp, Thái Lan …
Chị Nguyễn Phương Trang (phường Phan Đình Phùng) thực hiện quy trình làm lọng bướm
Hồi sinh di sản thủ công bị lãng quên
“Lọng bướm” từng là biểu tượng của sự quyền quý, mang ý nghĩa trường thọ và phúc lộc, lọng bướm đã thất truyền theo thời gian. Thế nhưng, với niềm đam mê và lòng trân trọng di sản văn hóa, bạn Nguyễn Phương Trang (sinh năm 1996), phường Phan Đình Phùng đã đưa lọng bướm trở lại đời sống đương đại, góp phần bảo tồn giá trị thủ công truyền thống.
Năm 2024, Phương Trang tình cờ biết đến lọng bướm khi nghiên cứu sâu về Việt phục. Phương Trang chia sẻ: Lọng bướm là một sản phẩm thủ công truyền thống của người An Nam, bắt nguồn từ làng nghề làm lọng. Chúng được chế tác tỉ mỉ với cán bằng cây tre đực, khung bằng nan tre, tán phất giấy dó, nhựa cậy và được trang trí hoa văn tứ linh, chữ Thọ mang đậm nét văn hóa. Lọng bướm không chỉ là vật phẩm trang trí mà còn mang ý nghĩa chúc tụng, biểu tượng cho sự trường thọ và sinh sôi nảy nở. Vì vậy, chúng thường xuất hiện trong các gia đình quyền quý và đôi khi được sử dụng làm vật trang trí tường trong những không gian sang trọng.
Sự tinh xảo của lọng bướm không chỉ đến từ chất liệu mà còn ở nghệ thuật chế tác, phản ánh sự khéo léo và tư duy sáng tạo của các nghệ nhân. Sản phẩm này có nguồn gốc từ làng nghề truyền thống làm lọng của người Việt xưa, nơi mỗi chiếc lọng không chỉ là vật dụng nghi lễ mà còn mang giá trị thẩm mỹ và tâm linh sâu sắc.
Lọng bướm không chỉ là vật dụng nghi lễ mà còn mang giá trị thẩm mỹ và tâm linh sâu sắc
Lọng bướm truyền thống được làm từ giấy dó và tre, những chất liệu đặc trưng của văn hóa Á Đông, mang đến vẻ đẹp mộc mạc nhưng tinh tế. Giấy dó không chỉ bền chắc, nhẹ nhàng mà còn tạo bề mặt phù hợp để vẽ họa tiết, trong khi tre giúp kết cấu của lọng bướm trở nên chắc chắn mà vẫn giữ được sự thanh thoát.
Tính đến nay, Nguyễn Phương Trang đã cung cấp hơn 1.000 chiếc lọng bướm cho các bạn trẻ trên khắp cả nước. Sự yêu thích mà cộng đồng dành cho lọng bướm chính là tín hiệu tích cực. Nó cho thấy nhiều người trẻ không thờ ơ với di sản, chỉ do thiếu thông tin và cơ hội để tiếp cận.
Giữa guồng quay hiện đại tưởng chừng cuốn trôi những giá trị truyền thống, vẫn có những người trẻ Thái Nguyên lặng lẽ thắp lên ngọn lửa giữ gìn văn hóa bằng đam mê và đôi tay cần mẫn. Họ không chỉ là người tiếp nối, mà còn là “người kể chuyện mới” - góp phần làm sống dậy văn hóa dân tộc một cách tinh tế và đầy bản sắc qua từng sản phẩm thủ công, từng làn điệu then, từng câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ của thời đại. Đó là một hành trình âm thầm nhưng giàu sức lan tỏa, để di sản không chỉ được lưu giữ mà còn sống tiếp, bay xa cùng bước chân của thế hệ hôm nay.
thainguyen.gov.vn