Du lịch Thái Nguyên: Cộng hưởng tài nguyên, nâng tầm giá trị
2025-07-09 11:37:00.0
Tiến sĩ Lê Quang Đăng, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam
P.V: Thưa Tiến sĩ Lê Quang Đăng, Tiến sĩ đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch của Thái Nguyên hiện nay?
Tiến sĩ Lê Quang Đăng: Sau sáp nhập, không gian phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên rộng hơn, tiềm năng du lịch lớn hơn. Tài Nguyên du lịch của tỉnh Thái Nguyên mới bao gồm toàn bộ giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa của tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn cũ, với 4 thế mạnh tài nguyên gồm: Du lịch sinh thái - tự nhiên; du lịch văn hóa - lịch sử - cách mạng; du lịch nông nghiệp - nông thôn; du lịch cộng đồng - gắn với các dân tộc vùng cao. Tỉnh Thái Nguyên có hệ thống tài nguyên du lịch sinh thái khá đa dạng, độc đáo, với đầy đủ các hệ giá trị rừng tự nhiên, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, sông, suối, hồ, thác, hang động... Trong đó, nhiều tài nguyên có giá trị và sức hấp hấp dẫn lớn như: Vườn quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc, thác Nà Khoang, thác Nà Đăng... cùng với đó là các đỉnh núi cao và thung lũng sâu xen kẽ với các cánh đồng và cung đường đèo hiểm trở tạo nên hệ thống cảnh quan núi - rừng - đồng - đèo vô cùng hấp dẫn.
Tỉnh Thái Nguyên “Thủ đô gió ngàn”, là khu vực quan trọng trong hệ thống an toàn khu (ATK) của vùng Chiến khu Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thái Nguyên ngày nay còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa, di tích cách mạng, nhiều khu vực đã trở thành điểm đến quen thuộc và yêu thích của khách du lịch như cụm di tích ATK Định Hóa, cụm di tích ATK Chợ Đồn, các di tích lịch sử Nà Tu, Đồn Phủ Thông, Đèo Giàng, Khuổi Linh, Tỉn Keo,... Ngoài ra, Thái Nguyên còn sở hữu nhiều di tích lịch sử, di tích khảo cổ, di tích tôn giáo...
Là vùng đất mệnh danh “Đệ nhất danh trà”, Thái Nguyên sở hữu nhiều vùng chè nổi tiếng như Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài, vùng chè Yên Định, Quảng Chu - Chợ Mới, Bằng Phúc - Chợ Đồn. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng sở hữu nhiều vùng chuyên canh cây nông nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, với các đặc sản nông sản phong phú như cam, quýt, bưởi, na, chuối, ổi, bí xanh thơm, dong riềng,...Thái Nguyên là vùng đất được hình thành từ lâu đời, là không gian sinh sống của cộng đồng nhiều dân tộc anh em, hầu hết các dân tộc đều giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Trong đó, nhiều bản làng dân tộc đã được khai thác, phát triển loại hình du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch như: Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Làng văn hóa dân tộc bản Quyên, xóm Mỏ Gà, bản Pác Ngòi, Mù Là, Bó Lù, Cốc Tộc,...
Vẻ đẹp hồ Bản Chang, xã Ngân Sơn, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: CTV Thu Nga)
P.V: Thưa Tiến sĩ! tiềm năng du lịch đã thấy rõ, song đâu là cơ hội, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức cho sự phát triển của du lịch Thái Nguyên hiện nay?
Tiến sĩ Lê Quang Đăng: Có thể thấy, sau khi sáp nhập và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo mô hình chính quyền hai cấp, tỉnh Thái Nguyên mới mở ra không gian phát triển du lịch rộng lớn hơn. Đây là một trong những cơ hội, thuận lợi để tỉnh Thái Nguyên quy hoạch, tổ chức lại không gian phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; xóa bỏ những rào cản cả về địa giới hành chính, lẫn ranh giới mềm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư du lịch. Sau sáp nhập và sắp xếp lại đơn vị hành chính, Thái Nguyên đã sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng hơn. Đây là sự cộng hưởng, bổ sung lẫn nhau (giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn cũ) về giá trị tài nguyên thế mạnh, đặc thù cũng như giảm thiểu những hạn chế, thách thức trong khai thác tài nguyên, phát triển du lịch. Có thể lấy ví dụ như: Sự kết hợp giữa hồ Núi Cốc với hồ Ba Bể tạo thành hệ thống tài nguyên du lịch hồ mạnh nhất khu vực; sự kết hợp giữa các đặc sản nông sản tạo nên chuỗi giá trị nông nghiệp đặc sắc... Cùng với đó, việc sáp nhập và sắp xếp lại đơn vị hành chính còn tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh có du lịch phát triển như Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh.
Trải nghiệm văn hóa vùng chè và ẩm thực từ trà được nhiều du khách lựa chọn khi tới Thái Nguyên
Thái Nguyên sở hữu giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn nhưng chưa phát huy hết hiệu quả để tạo ra sản phẩm du lịch có khả năng mang lại giá trị và giá trị gia tăng cao. Thêm vào đó, sản phẩm du lịch của Thái Nguyên có sự trùng lắp với sản phẩm du lịch của các tỉnh lân cận. Điều này tạo ra thách thức về phát triển sản phẩm du lịch mới, sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh. Khách du lịch đến Thái Nguyên chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế chiếm số lượng rất nhỏ. Khách nội địa cũng chủ yếu là khách nội vùng, nội tỉnh, khách đi du lịch trong ngày, ngắn ngày, mức chi tiêu thấp; thiếu các phân khúc thị trường khách cao cấp, khách có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Cơ sở lưu trú du lịch của Thái Nguyên tuy nhiều nhưng lại thiếu cơ sở cao cấp (4-5 sao); các khu vui chơi giải trí chất lượng, cơ sở kinh doanh mua sắm, nhà hàng ẩm thực, kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nguồn nhân lực làm du lịch chất lượng cao mang tính chuyên nghiệp phục vụ khách du lịch còn hạn chế.
Đồng bào Dao tỉnh Thái Nguyên truyền dạy nghệ thuật may thêu trang phục của dân tộc
P.V: Với vai trò là một nhà nghiên cứu, Tiến sĩ có thể đưa ra những đề xuất về giải pháp phát triển du lịch Thái Nguyên, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Lê Quang Đăng: Tôi cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta cần tổ chức lại không gian phát triển du lịch. Không gian mới này phải đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tài nguyên; hình thành các trục phát triển, tuyến liên kết, cụm du lịch đồng bộ, khu du lịch trọng điểm, sản phẩm du lịch chất lượng; định hướng lại hệ thống sản phẩm du lịch. Bối cảnh mới, thời cơ vận hội mới, không gian phát triển mới, Thái Nguyên cần định hướng lại hệ thống sản phẩm, tạo thêm sản phẩm mới và làm mới sản phẩm đã có. Ngoài 4 sản phẩm tài nguyên du lịch chủ đạo đã có, Thái Nguyên có thể nghiên cứu phát triển sản phẩm mới như du lịch công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp gắn với khu du lịch hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể; du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội quy mô lớn như Lễ hội trà quốc tế, Đại lễ hội văn hóa - ẩm thực vùng cao Việt Bắc.... Ngoài ra, chúng ta cần làm mới sản phẩm du lịch nông nghiệp, tăng giá trị và chi tiêu của khách, chú trọng nông nghiệp thế mạnh là vùng chè; có thể nghiên cứu xây dựng mô hình Công viên văn hóa trà xanh (Green Tea Park) tại Tân Cương. Và một yếu tố quan trọng, chúng ta cần định vị lại thị trường du lịch, chú trọng hơn đến thị trường khách quốc tế; thị trường khách có thu nhập cao, có khả năng chi tiêu và lưu trú dài ngày (đối với các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng, lễ hội quy mô lớn); đẩy mạnh thị trường khách học sinh sinh viên, cựu chiến binh, người cao tuổi (đối với sản phẩm du lịch về nguồn, tham quan di tích lịch sử cách mạng); quan tâm thị trường khách giới trẻ (đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với vùng chè và du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên rừng, hồ, suối, thác, hang động).
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Quang Đăng!
thainguyen.gov.vn