Truy cập nội dung luôn

Đề xuất quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bộ Tài chính đề xuất quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 2, khoản 3 Điều 67 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công quy định tại Luật này và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này; theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quốc hội đã thông qua Luật số 56/2024/QH15, Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; theo đó, đã điều chỉnh một số quy định về hình thức xử lý tài sản, trình tự và quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định tương ứng tại Nghị định số 165/2017/NĐ-CP để phù hợp với định hướng chính sách tại Luật số 56/2024/QH15, Luật số 90/2025/QH15.

Ngày 22/01/2024, Bộ Tài chính có công văn số 890/BTC-QLCS gửi Văn phòng Trung ương Đảng về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 165/2017/NĐ-CP; trên cơ sở báo cáo tổng kết, đánh giá và đề xuất của các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện Nghị định số 165/2017/NĐ-CP, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2017/NĐ-CP.

Theo tổng hợp báo cáo tổng kết, đánh giá của các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thì việc triển khai Nghị định số 165/2017/NĐ- CP còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải được sửa đổi, bổ sung, thay thế để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như:

Về đối tượng áp dụng: Một số cơ quan, đơn vị của Đảng hiện chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 165/2017/NĐ-CP như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị cấp tỉnh là đơn vị dự toán cấp I của ngân sách tỉnh,...

Theo khoản 3 Điều 17 Nghị định số 165/2017/NĐ-CP thì "Cơ quan của Đảng được sử dụng nhà ở công vụ, nhà khách và tài sản khác chưa sử dụng hết công suất để khai thác theo quy định của pháp luật có liên quan và quy dịnh của Đảng"; tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định khai thác tài sản dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan của Đảng chưa có quy định cụ thể để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị thực hiện như: Trình tự, thủ tục giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan, đơn vị; thẩm quyền quyết định bảo dưỡng, sửa chữa, thuê đơn vị có chức năng quản lý vận hành tài sản công; khai thác tài sản công sau thu hồi...

Việc xác định danh mục tài sản của Đảng, xác định giá trị của tài sản hình thành bao nhiêu là của Đảng, bao nhiêu là của Nhà nước để hạch toán theo dõi, phân bổ tiền thu thanh lý tài sản theo quy định tại Nghị định số 165/2017/NĐ-CP là khó khăn. Vì đa số các tài sản của các cơ quan Đảng được hình thành từ nhiều năm về trước và theo quy định trước đây thì các tài sản đó đều được xác định là tài sản của Đảng, nên không được hạch toán, theo dõi riêng...

Từ các cơ sở nêu trên, theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam là cần thiết.

Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng được đề xuất tại dự thảo là:

1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài sản: Văn phòng Trung ương Đảng; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh ủy, thành ủy).

2. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản:

Cơ quan của Đảng ở trung ương gồm: Các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc Văn phòng Trung ương Đảng; cơ quan Đảng ủy Quốc hội, cơ quan Đảng ủy Chính phủ, cơ quan Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương (cơ quan Đảng ủy ở Trung ương); cơ quan của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (gồm: Cơ quan Hội đồng Lý luận trung ương, Văn phòng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các Học viện Chính trị khu vực trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Cơ quan của Đảng ở địa phương gồm: Cơ quan của Đảng ở cấp tỉnh gồm: Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Văn phòng tỉnh ủy) và đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc Văn phòng tỉnh ủy; cơ quan Đảng ủy Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn phòng Đảng ủy cấp xã.

Đơn vị sự nghiệp của Đảng ở trung ương gồm: Đơn vị sự nghiệp của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đơn vị sự nghiệp thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng; đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan, đơn vị của Đảng ở trung ương;

Đơn vị sự nghiệp của Đảng ở địa phương gồm: Đơn vị sự nghiệp của Đảng ở cấp tỉnh gồm: Đơn vị sự nghiệp là Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan báo đảng địa phương; Đài phát thanh truyền hình địa phương; đơn vị sự nghiệp trực thuộc Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; đơn vị sự nghiệp của Đảng ủy cấp xã.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định

Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo, Bộ đề xuất điều chỉnh các quy định về thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền và phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. 

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giao thẩm quyền trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị của Đảng được giao quản lý, sử dụng tài sản quyết định bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại đối với tài sản không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định.

Giao thẩm quyền cho Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Giám đốc học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy ở trung ương, Tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đảng ủy cấp xã quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền thu hồi, điều chuyển, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại đối với tài sản đủ tiêu chuẩn tài sản cố định tại cơ quan, đơn vị của Đảng thuộc phạm vi quản lý (thay vì một số trường hợp thực hiện theo quy định về thẩm quyền áp dụng đối với cơ quan nhà nước như hiện nay) để bảo đảm tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm của khối cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam đối với tài sản tại cơ quan, đơn vị của Đảng.

Giao Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, thành ủy quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp của Đảng thuộc phạm vi quản lý; giao người đứng đầu đơn vị sự nghiệp của Đảng tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định phê duyệt đề án sử dụng tài sản của đơn vị mình vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để đẩy mạnh phân cấp.

Giao thẩm quyền quyết định chuyển đổi công năng sử dụng tài sản trong trường hợp không thay đổi cơ quan quản lý tài sản cho cơ quan, đơn vị của Đảng được giao quản lý, sử dụng tài sản (thay vì phải báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản quyết định như hiện nay).

Bổ sung quy định về thẩm quyền của Đảng ủy cấp xã trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công do cơ quan, đơn vị thuộc Đảng ủy cấp xã quản lý, sử dụng (thay vì thẩm quyền của Văn phòng huyện ủy) để phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Điều chỉnh các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục

Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê tài sản và quy định cơ quan, đơn vị của Đảng căn cứ dự toán ngân sách được giao, nguồn kinh phí được phép sử dụng để tổ chức mua sắm, thuê tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu, không phải thực hiện trình tự, thủ tục trình quyết định mua sắm, thuê tài sản để đơn giản hóa thủ tục và phù hợp với nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu tại Luật số 56/2024/QH15 (bỏ quy định về người có thẩm quyền trong đấu thầu là người có thẩm quyền quyết định mua sắm và giao trách nhiệm cho chủ đầu tư, cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư).

Bỏ quy định về việc phải thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu về tài sản đối với tài sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Đảng thông qua hợp đồng tặng cho hoặc hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác quy định tại Điều 223 Bộ Luật Dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan (nếu có).

Bỏ quy định về thủ tục lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Sở Tài chính trước khi cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, thu hồi đất thuộc trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nội dung sửa đổi, hoàn thiện

Dự thảo đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định về việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý, khai thác tài sản công tại cơ quan, đơn vị của Đảng để phù hợp với quy định của Đảng về quỹ dự trữ ngân sách Đảng và cơ chế tài chính đặc thù của một số cơ quan của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Sửa đổi, hoàn thiện quy định về báo cáo tài sản tại cơ quan, đơn vị của Đảng để phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Nội dung bổ sung

Dự thảo đề xuất bổ sung quy định về khai thác tài sản tại cơ quan, đơn vị của Đảng theo quy định về khai thác tài sản tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để tạo cơ sở pháp lý khai thác hiệu quả tài sản tại cơ quan, đơn vị của Đảng.

Bổ sung quy định về khai thác tài sản có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền theo các hình thức: (i) Giao tài sản có quyết định thu hồi cho đơn vị sự nghiệp của Đảng, doanh nghiệp của Đảng quản lý, khai thác theo quy định của Đảng; (ii) Bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp có quyết định thu hồi (bao gồm hoặc không bao gồm các tài sản khác hiện có tại trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp đó) cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sử dụng tạm thời trong thời gian chưa có tài sản hoặc đang trong thời gian thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Bổ sung hình thức xử lý tài sản được tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Đảng để phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các tài sản này hiệu quả.

Bổ sung quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại cơ quan, đơn vị của Đảng (thẩm quyền, phê duyệt; trình tự, thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; phương án sắp xếp lại, xử lý).

Nội dung lược bỏ

Dự thảo đề xuất bỏ quy định về sử dụng tài sản tại cơ quan, đơn vị của Đảng để tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư để phù hợp với phạm vi dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.


baochinhphu.vn